Gia Đình I-nhã
Văn Phòng Phát Triển
DÒNG TÊN VIỆT NAM
Thiên Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ (1 Tm 2:4). Vì thế, Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, đã được sai đến trần gian để thực hiện công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi sự. Sau khi hoàn tất sứ mạng cứu độ và trước khi về trời, Ngài đã trao phó cho các tông đồ sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi loài thọ tạo (Mt 28:18-20). Sứ mạng này được Giáo Hội tiếp tục nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã ban cho Giáo Hội những đặc sủng khác nhau để sinh hoa trái cho dân Chúa. Một trong những đặc sủng ấy được ban cho thánh I-nhã, Đấng sáng lập Dòng Chúa Giêsu (ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên). Dòng Tên được thành lập “nhằm mục đích chính yếu là xả thân để mưu ích cho các linh hồn…”[1]
Ngay khi Dòng được thành lập không lâu, nhiều hiệp hội giáo dân đã ra đời dựa vào linh đạo của thánh I-nhã. Những hiệp hội này không những đã góp phần rất nhiều vào việc thăng tiến đời sống thiêng liêng các hội viên, mà còn đóng góp rất lớn cho các sứ vụ loan báo Tin Mừng của Dòng bằng đời sống hy sinh và cầu nguyện, bằng những đóng góp vật chất để các sứ vụ của Dòng có thể được thực hiện.
Trong tinh thần này, ngày 20.11.2008, “Gia Đình I-nhã” được thành lập nhằm quy tụ những ai có lòng khao khát nên hoàn thiện (Mt 5:48) và mong muốn cộng tác với các Giêsu hữu trong các sứ vụ tông đồ của Tỉnh Dòng, theo tinh thần của thánh I-nhã nhằm phục vụ Giáo Hội Chúa Kitô tại thế theo điều kiện và hoàn cảnh của riêng mình.[2]
Gia Đình I-nhã không phải là một tổ chức chính trị, đúng hơn, là một gia đình được Chúa Kitô kêu mời sống ơn gọi Kitô hữu một cách đặc thù theo Linh Đạo I-nhã (Mc 3:13-14). Đó là một tập thể tự nguyện của những ai ao ước được giúp đỡ để thăng tiến trong đời sống Kitô hữu, noi gương Đức Giêsu cũng như mong muốn phục vụ tha nhân thăng tiến trong đời sống này. Vì thế, mọi ý hướng và hành động phải thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô.
Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đến tầm quan trọng và giá trị của tông đồ giáo dân, khởi đi từ lời mời gọi các Kitô hữu cộng tác vào sứ mạng của Chúa Kitô nhờ ân sủng của Bí tích Rửa tội.[3] Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Ðồng Chung dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ của giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực để xác định lại sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và giữa lòng thế giới. Là những người sống và làm việc giữa đời, anh chị em giáo dân được Thiên Chúa mời gọi làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột theo tinh thần Kitô giáo (x. SL TĐGD 2).
Từ viễn tượng này, Gia Đình I-nhã – một đoàn thể giáo dân gồm quý thân hữu và ân nhân của anh em Dòng Tên Việt Nam, đã được thành lập từ năm 2008 và được tháp nhập vào Văn Phòng Phát Triển (VPPT) của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, ngay từ khi Văn Phòng này được Dòng Tên Trung Ương tại Rôma chính thức thành lập năm 2012. VPPT trở thành cánh tay nối dài của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam đến tất cả những ai muốn hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần cho Dòng Tên trong việc phát triển ơn gọi Dòng Tên, cũng như muốn tham dự vào các sứ vụ Dòng Tên, trong nước cũng như ngoài nước.
Nhằm gia tăng sự kết nối và củng cố tình liên đới giữa quý thân hữu và ân nhân của nhà Dòng với các tu sĩ trong Dòng, cũng như giữa quý thân hữu và ân nhân với nhau, Gia Đình I-nhã trở thành ngôi nhà chung quy tụ những thành viên cả trong nước lẫn quốc tế, yêu mến Linh Đạo I-nhã, khao khát sống Linh Đạo này trong đời sống đức tin và phục vụ của mình. Họ là những người có mối tương quan thân thiết với anh em Dòng Tên, yêu thích lối sống và cách thức phục vụ của Dòng Tên và muốn hỗ trợ việc phát triển ơn gọi Dòng Tên cũng như các sứ vụ mà Dòng đang dấn thân thực hiện.
Ơn gọi: Các thành viên của Gia Đình I-nhã, nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, được tham dự vào chức Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Chúa Kitô. Họ được mời gọi dấn thân vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội bằng những hình thức tông đồ khác nhau (x. Sắc Lệnh TĐGD 9-10). Họ cũng là những người yêu mến Linh Đạo I-nhã và muốn thực hành Linh Đạo này trong đời sống hằng ngày qua sự đồng hành và hướng dẫn của các tu sĩ Dòng Tên.
Sứ mạng: Loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho hết thảy mọi người bằng cách cộng tác với Dòng Tên trong việc đào tạo ơn gọi, tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng đời sống cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, và hỗ trợ vật chất cho các dự án tông đồ, xã hội và bác ái của tỉnh Dòng.
Linh đạo I-nhã nằm trong mầu nhiệm Ba Ngôi luôn hành động để đem ý định của Thiên Chúa cho thế giới và mời gọi con người cộng tác với Thiên Chúa. Ba Ngôi đối với thánh I-nhã là Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ, Đấng tiếp tục làm việc trong “mọi sự” và mời gọi mọi người tham dự vào công trình cứu độ của Ba Ngôi trong thế giới. Theo tinh thần của thánh I-nhã, kết hợp với Thiên Chúa là kết hợp dấn thân trong phục vụ vì hạnh phúc con người. Chính vì vậy, tất cả các thực hành thiêng liêng của Linh Đạo I-nhã đều quy hướng về Thiên Chúa cho con người, nghĩa là con người và Thiên Chúa thấm nhuần vào nhau, là chiêm niệm trong hoạt động.
Người sống Linh đạo I-nhã tìm kiếm sự hoàn thiện của mình trong cầu nguyện và các thực hành thiêng liêng nhằm hướng đến việc giúp đỡ tha nhân; và trong khi giúp đỡ tha nhân, họ thủ đắc sự hoàn thiện hơn nữa trong cầu nguyện, để rồi sau đó họ lại giúp đỡ tha nhân hơn. Tóm lại, lời cầu nguyện đặc trưng của người sống Linh Đạo I-nhã phải được hội nhất với việc phục vụ, và ân huệ của việc cầu nguyện được ban cho người ấy phải gắn bó chặt chẽ với tiếng gọi tông đồ và sự dấn thân cho đời sống phục vụ.
Gia Đình I-nhã đề ra một hành trình thiêng liêng cho các thành viên. Hành trình này hội nhất các khía cạnh:
Chiêm niệm
“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Vì Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian, là nguồn mạch của mọi sứ mạng tông đồ trong Giáo Hội, nên hoa trái của việc tông đồ giáo dân tuỳ thuộc ở sự kết hiệp sống động và mật thiết của chính họ với Chúa Kitô. Thế nên, đời sống thiêng liêng chiếm một vị trí tối quan trọng trong đời sống của mỗi thành viên và của cả Gia Đình I-nhã. Nó được coi như là nguồn sức mạnh thiêng liêng duy trì sự nối kết và hiệp thông sứ mạng của Gia Đình I-nhã. Vì thế, mỗi thành viên phải thiết tha và lưu tâm đến những khía cạnh thiêng liêng được liệt kê dưới đây:
Cầu nguyện: cầu nguyện riêng hay chung luôn là phương thế gặp gỡ và kết hợp với Chúa. Qua việc cầu nguyện, mỗi thành viên nhận biết được Ý Chúa, đón nhận được sức mạnh của ơn thiêng, khám phá ra ý nghĩa đời mình và sẵn sàng dấn thân cho Tin mừng. Vì thế, mỗi thành viên tùy theo khả năng và hoàn cảnh phải sắp xếp và định liệu cho mình có thời gian cầu nguyện hằng ngày. Cầu nguyện hằng ngày sẽ giúp cho mỗi thành viên trở nên nhạy bén hơn với tác động của Chúa Thánh thần và qua đó họ có thể dễ dàng chiến thắng được các cơn cám dỗ và sự dữ cũng như được gia tăng sức mạnh chu toàn bổn phận hằng ngày.
Các Bí tích và Lời Chúa: Bí tích là máng thông truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi tín hữu và là phương thế canh tân hữu hiệu đời sống các tín hữu. Vì thế, mọi thành viên trong Gia đình I-nhã phải hết sức với lòng tin mà siêng năng tham dự và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa giải và Thánh thể, trong đó việc tham dự cử hành Thánh thể chiếm một vị trí trung tâm không thể thiếu đối với mỗi thành viên. Vì qua việc tham dự này, mỗi thành viên được lắng nghe Lời Chúa do Giáo hội công bố và được hiệp thông trong Mình và Máu Chúa Kitô, để nhờ ơn Chúa nâng đỡ mỗi người ngày càng nên hoàn thiện và hiệp thông với nhau hơn và trở thành dụng cụ hữu hiệu phục vụ sứ mạng của Chúa Kitô. Vì thế, các thành viên của Gia đình I-nhã được khuyến khích tham dự thánh lễ hằng ngày và lãnh nhận bí tích Hòa giải hằng tháng.
Họ cũng được khuyến khích đọc, học hỏi và suy niệm Lời Chúa, ít là các bài đọc trong các thánh lễ mỗi ngày. Vì nhờ tiếp xúc với Lời Chúa thường xuyên, họ sẽ được Chúa soi sáng và ban ơn mà biết sắp xếp cuộc đời mình theo đúng Ý Chúa hơn.
Phân định thiêng liêng hằng ngày: Vì sự mỏng dòn và yếu đuối của thân phận làm người, con người thường rất dễ rời xa ơn gọi nên thánh và con đường hoàn thiện của mình. Vì thế việc phân định thiêng liêng (xét mình) phải là một thực hành chiếm vị trí quan trọng và thường xuyên trong đời sống của mỗi thành viên. Việc thực hành này giúp mỗi người nhận ra những ơn lành Thiên Chúa vẫn đồng hành với mỗi người để tạ ơn; đồng thời kịp nhận ra những thiếu sót lỗi lầm để tạ tội và sửa sai. Việc thực hành này cùng với bí tích Hòa giải trở thành phương thế canh tân đời sống thiêng liêng và làm mới lại tình yêu của mỗi thành viên đối với Chúa và tha nhân. Nó được thực hiện ít là một lần vào lúc cuối ngày.
Các kỳ tĩnh tâm theo phương pháp Linh Thao: Các kỳ tĩnh tâm Linh Thao ngắn ngày (1-3 ngày) hoặc dài ngày (5 – 8 ngày) được hiểu là những thời gian đặc biệt để các thành viên Gia Đình I-nhãchuẩn bị tâm hồn mừng một mầu nhiệm trọng đại trong đạo hay mừng kỷ niệm một biến cố đáng nhớ nào đó của một cá nhân hay tập thể. Các kỳ tĩnh tâm cũng là thời gian đặc biệt để một người đi tìm kiếm Ý Chúa về một hay nhiều quyết định phải làm mà không theo những khuynh hướng lệch lạc trần thế. Đây cũng là thời gian đặc biệt của một tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những hồng ân mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho những ai biết khát khao. Vì thế, mỗi thành viên của Gia Đình I-nhã phải biết luôn coi trọng các kỳ tĩnh tâm Linh Thao này. Họ cũng được khuyến khích tham dự các kỳ tĩnh tâm khác do các giáo xứ nơi họ cư trú tổ chức vào những dịp đặc biệt khác.
Ý Hướng Sống và Bổn Phận Hằng Ngày: Đời sống của người Kitô hữu là một đời sống có đích nhắm rõ rệt là “ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa” và nhờ đó “cứu rỗi linh hồn mình” (Linh thao, số 23). Theo đó thì không một Kitô hữu và một thành viên chân chính nào của Gia Đình I-nhã được phép quên mục đích đời mình. Vì thế, mỗi sáng khi thức dậy mỗi thành viên hãy “đặt trước mặt” hay trong tâm trí của mình “Ý hướng sống” này, để dù họ nghĩ gì, nói năng gì hay hành động ra sao trong ngày, họ đều thực hiện mọi sự trong ý hướng cuộc đời mình.
Nếu “ý hướng sống” định hướng cho cả một ngày sống thì bổn phận hằng ngày (dù ở trong gia đình hay ngoài xã hội) đều được xem là thể hiện ý hướng ấy trong cụ thể. Vì đa số các thành viên của Gia Đình I-nhã sống trong ơn gọi hôn nhân nên “thực tại trần thế” (như Công Đồng VC II diễn tả) là nơi mà các thành viên được sai đến như men muối giữa đời. Giữa đời mà họ là chứng nhân của Nước Trời. Dù không thể liệt kê được những chi tiết của thực tại trần thế mà mỗi thành viên trong Gia Đình I-nhã tiếp cận và đối diện hằng ngày, nhưng đó là môi trường họ được mời gọi thánh hiến và làm cho những thực tại ấy thành lời ca ngợi để tôn vinh danh Chúa. Như vậy, đối với các thành viên Gia Đình I-nhã bổn phận hằng ngày là cơ hội để đáp lại lời mời gọi nên thánh của Chúa Giêsu.
Vào những giây phút thuận tiện cuối ngày, một cách cá nhân hay tập thể gia đình, họ nhắc lại “ý hướng sống” của cuộc đời và cũng là của ngày hôm đó trước khi bước vào việc nhận định thiêng liêng riêng hoặc chung. Khi thực hành như thế, họ đã làm một điều rất đẹp lòng Chúa là đã đặt cuộc đời của mình dưới sự hướng dẫn và nâng đỡ của Thiên Chúa
Hoạt Động Tông Đồ
Dấn thân tông đồ một trong bốn cột trụ (Ba Ngôi, Kitô, Giáo hội và tông đồ) trong linh đạo Dòng Tên vì Dòng được thiết lập để xả thân phục vụ phần rỗi của tha nhân. Vì thế, mỗi thành viên của Gia Đình I-nhã được khuyến khích dấn thân vào trong một hay nhiều công việc tông đồ cụ thể tùy theo điều kiện có thể, như thăm viếng, an ủi và giúp đỡ người cô đơn, bệnh tật; giúp đỡ người nghèo; dạy giáo lý cho trẻ em và người lớn; giúp đỡ và bảo trợ cho các trẻ em thất học và sinh viên hiếu học; săn sóc các anh chị em dân tộc thiểu số; hướng dẫn ngành nghề cho những người thất nghiệp; dấn thân vào công việc truyền giáo; tham gia các chương trình bảo vệ sự sống thai nhi và các việc phục vụ công ích xả hội… Sẽ thực sự có ý nghĩa và mang tính phục vụ hơn nếu các thành viên Gia Đình I-nhã dấn thân tích cực vào các kế hoạch tông đồ do các đoàn thể giáo xứ hay giáo phận khởi xướng. Vì khi làm như thế, họ thực sự thể hiện sự hiệp thông trọn vẹn với cộng đoàn Giáo hội địa phương, nơi họ được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin.
Gia Đình I-nhã là một tập thể được qui tụ không do những yếu tố tự nhiên nhưng siêu nhiên. Chính Chúa là Đấng mời gọi và quy tụ tất cả thành một gia đình qua con đường thiêng liêng được gợi hứng bởi thánh I-nhã. Qua đó, nhờ ơn Chúa giúp, mỗi thành viên cùng giúp nhau nên thánh và trở thành dụng cụ Chúa dùng để phục vụ Nước Trời qua đời sống gương mẫu và dấn thân hằng ngày.
Như vậy, sự hiệp thông nền tảng giữa các thành viên chính là sự hiệp thông thiêng liêng được đặt nền trên sự kết hợp mật thiết của mỗi thành viên và của các thành viên với Chúa Giêsu. Chính mối dây thiêng liêng này giúp họ vượt qua những mối liên hệ huyết thống và địa phương để trở thành anh chị em của nhau trong Chúa mà không có sự phân biệt do tuổi tác, giầu nghèo hay địa vị cao thấp trong Giáo hội hay xã hội.
Để nuôi dưỡng và lớn lên trong sự hiệp thông huynh đệ, mỗi thành viên phải biết quý trọng những phương thế thiêng liêng là cầu nguyện, tham dự thánh lễ, siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, gương mẫu chu toàn bổn phận hằng ngày, thực hành nhận định thiêng liêng mỗi ngày và thường xuyên lãnh nhận các bí tích cũng như dấn thân tông đồ.
Gia Đình I-nhã không phải là một tập thể “siêu giáo xứ hay giáo phận,” cũng không phải là đơn vị mục vụ thay thế cho giáo xứ hay giáo phận. Vì thế, mọi thành viên của Gia Đình I-nhã phải hết lòng yêu mến và nhiệt tâm xây dựng giáo xứ và giáo phận như gia đình thiêng liêng của chính mình; đồng thời cộng tác và tham gia vào những hoạt động mục vụ và tông đồ khác nhau do các Giám mục, các cha xứ và các vị có trách nhiệm trong giáo xứ và giáo phận mình đề ra. Sẽ thật là gương sáng và mang tinh thần I-nhã là mọi thành viên của Gia Đình I-nhã biết thể hiện sự vâng phục các Đấng bản quyền với tấm lòng con thảo như chính thánh I-nhã đã thể hiện như thế đối với Giáo Hội là Mẹ vậy.
Các thành viên trong Gia Đình I-nhã được hiểu là tất cả tín hữu được Chúa quy tụ do lòng ao ước nên thánh và hiệp thông sứ vụ phục vụ tha nhân qua con đường thiêng liêng mà Chúa đã ban cho thánh I-nhã và qua ngài, cho Dòng Tên. Trong Gia Đình này, tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau trong Chúa, và mỗi người tùy theo khả năng Chúa ban mà góp phần vào việc phục vụ sứ mạng chung Chúa đã trao cho Giáo hội và qua Hiền thê của Người, trao cho Dòng Tên.
Vì thế, Gia Đình I-nhã chào đón tất cả những ai yêu mến và muốn thực hành Linh Đạo I-nhã nhằm đào sâu mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa và thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, ngang qua sự đồng hành và hướng dẫn của các tu sĩ Dòng Tên. Nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện của các thành viên này, tu sĩ Dòng Tên mới có thể đứng vững trong việc thi hành sứ vụ giúp đỡ các linh hồn và làm cho Thiên Chúa được tôn vinh hơn.
Sứ mạng phục vụ của Dòng Tên có tính phổ quát và mở rộng đến mọi lãnh vực thuộc đời sống con người, không phân biệt quốc gia hay ý thức hệ, lương hay giáo. Ý thức được sự yếu hèn của mình khi phục vụ sứ mạng cao cả của Chúa Kitô trong lịch sử, Dòng Tên trước tiên đặt niềm tin phó thác và nương tựa vào sự trợ giúp quan phòng của Chúa và vào lời cầu nguyện hy sinh của các tín hữu; tuy nhiên, nhờ lòng quảng đại của nhiều người, Dòng cũng đã đón nhận được những sự trợ giúp vật chất cần thiết để có thể chu toàn sứ mạng được trao phó. Tỉnh Dòng Tên Việt Nam cũng đang rất cần sự trợ giúp của mọi thành viên trong cả hai lãnh vực này, thiêng liêng và vật chất. Mỗi cách thức đóng góp của từng thành viên đều là ân huệ Chúa ban cho Dòng và được trân trọng như nhau trước mặt Chúa.
Thế nên, ngoài việc cầu nguyện, các thành viên được mời gọi đóng góp trực tiếp các phương tiện vật chất cho các sứ vụ của Dòng Tên (Quỹ Tông Đồ), cũng như việc đào tạo nhân sự cho các sứ vụ ấy (Quỹ Hỗ Trợ Ơn Gọi) trong bối cảnh Tỉnh Dòng Tên Việt Nam đang thực hiện nhiều sứ vụ trong công cuộc Rao Giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, không những tại Việt Nam, mà còn tại nhiều nước trên thế giới như: Đài Loan, Nhật Bản, Đông Timor, Hàn Quốc, Hungary, Đan Mạch, Ý, Campuchia…
Các thành viên được mời gọi tham dự các sinh hoạt thiêng liêng như: tĩnh tâm Mùa Chay, Mùa Vọng chung hay theo nhóm sinh hoạt, các cuộc tĩnh tâm cuối tuần hay Linh Thao 8 ngày, các cuộc tĩnh huấn, các khoá huấn luyện, chương trình mục vụ, bác ái hoặc tông đồ, và những sinh hoạt khác của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam như: Lễ Khấn, Lễ Truyền Chức Linh Mục, Lễ Thánh Tổ I-nhã. Các thành viên cam kết tham gia tích cực các hình thức sinh hoạt thiêng liêng và tông đồ nói trên ở cấp độ cá nhân hoặc với một nhóm hay một cộng đoàn.
Ở cấp độ cá nhân: Mỗi thành viên Gia Đình I-nhã được mời gọi thực hành Phút Hồi Tâm cuối ngày, cầu nguyện hằng ngày bằng Kinh Quảng Đại Dâng Hiến của thánh I-nhã và Lời Nguyện Của Gia Đình I-nhã. Qua thói quen cầu nguyện hằng ngày, mỗi thành viên sẽ được lớn lên trong tình bạn thân thiết với Chúa Giêsu và được tiếp thêm lửa nhiệt thành để cộng tác với nhà Dòng trong các sứ vụ tông đồ.
Ở cấp độ nhóm hoặc cộng đoàn: Các thành viên Gia Đình I-nhã sẽ được chia thành các nhóm sinh hoạt dựa theo vị trí địa lý. Các nhóm sinh hoạt sẽ gặp nhau mỗi tuần một lần hoặc ít nhất mỗi tháng một lần để cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ về đời sống và làm Phút Hồi Tâm cuối tuần hoặc cuối tháng.
Các thành viên của Gia Đình I-nhã cũng được mời gọi dấn thân vào các sứ vụ khác nhau của Dòng để giúp đỡ các linh hồn và làm vinh danh Chúa hơn. Họ sẽ được Dòng lưu tâm cân nhắc xem phải làm gì thích hợp để Chúa được tôn vinh hơn qua việc dấn thân của họ.
Gia Đình I-nhã được điều hành bởi Văn Phòng Phát Triển (VPPT) trực thuộc Tỉnh Dòng Tên Việt Nam. VPPT gồm có Giám Đốc VPPT, Phó Giám đốc và các thành viên, được Cha Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam bổ nhiệm. Cha Giám đốc cùng với các phụ tá phụ trách điều hành Gia Đình I-nhã của Dòng. Vị này có trách nhiệm cùng với sự trợ giúp của các phụ tá và cộng tác viên, dù là tu sĩ hay giáo dân, có bổn phận chăm lo đời sống tinh thần và mọi sinh hoạt thiêng liêng khác của Gia Đình I-nhã phù hợp với tinh thần và đường hướng đã được Dòng chấp thuận. Ngài cũng phải chịu trách nhiệm chung về Gia Đình I-nhã trước mặt Cha Giám Tỉnh. Trách nhiệm điều hành này sẽ được chia sẻ cho các cộng tác viên thuộc các miền hay địa phương tùy theo nhu cầu đòi hỏi.
Ban Điều Hành VPPT hiện nay do cha Giuse Hoàng Văn Quảng, SJ, làm Giám đốc (từ năm 2023), cùng với sự cộng tác của các thành viên: cha Phêrô Trần Hoàn Chỉnh, SJ (Phó Giám đốc), cha Giuse Nguyễn Tiến Khải, SJ, và thầy Vinh Sơn Phạm Đức Tuấn, SJ.
VPPT họp mặt mỗi tháng một lần. Chức năng của VPPT là:
– Củng cố ơn gọi, sứ mạng và tầm nhìn của Gia Đình I-nhã hoà hợp với đường hướng của Linh đạo I-nhã và của Dòng Tên Việt Nam.
– Giúp kết nối Gia Đình I-nhã với anh em Dòng Tên cũng như với các sứ vụ tông đồ của Tỉnh Dòng
– Tổ chức các khoá tập huấn, tĩnh huấn và hội thảo nhằm giúp các thành viên Gia Đình I-nhã hiểu biết thêm về linh đạo I-nhã, về Dòng Tên và sứ mạng tông đồ của Dòng
Gia Đình I-nhã là tập thể những người yêu mến linh đạo Dòng Tên và ao ước cộng tác với Dòng trong các sứ vụ tông đồ. Họ có thể thuộc bất kỳ bậc sống nào, sinh sống ở bất cứ nơi đâu và làm bất cứ ngành nghề gì. Vì thế, để thuận tiện cho việc sinh hoạt, Gia Đình I-nhã được phân chia như sau:
Cấp Tỉnh Dòng
Gia Đình I-nhã có Ban Đại Diện Chung Cấp Tỉnh Dòng gồm một trưởng ban, một thư ký và một thủ quỹ. Ban Đại Diện này có trách nhiệm thực hiện các chương trình sinh hoạt của Gia Đình I-nhã dưới sự hướng dẫn của VPPT.
Cấp miền
Tùy theo hoàn cảnh và số lượng thành viên mà Gia Đình I-nhã sẽ được phân chia thành những Miền khác nhau. Miền được hiểu là một đơn vị của Gia Đình I-nhã gồm số lượng đông đảo những thành viên và cư trú trong một địa bàn rộng lớn. Việc thành lập một Miền hay Cụm thuộc quyền của VPPT và tùy thuộc vào lợi ích thiêng liêng tông đồ đòi hỏi. Tuy nhiên, các thành viên phải hết sức tránh xa mọi mối chia rẽ bất hòa có thể có trong Gia Đình do việc bổ nhiệm và phân chia này.
Chịu trách nhiệm mỗi Miền là Ban Đại Diện của Miền, được chỉ định hay đề cử, gồm trưởng ban cùng với một phụ tá, một thư ký và một thủ quỹ. Ban Đại Diện của Miền chịu trách nhiệm điều hành Miền của mình trước VPPT và Ban Đại Diện Cấp Tỉnh theo tinh thần và đường hướng của Gia Đình I-nhã.
Mỗi Miền cũng có thể được chia thành nhiều cấp địa phương khác nhau.
Cấp địa phương
Cấp địa phương được hiểu là bao gồm những thành viên cư trú trong phạm vi địa lý thuận lợi và gần gũi nhau hơn, dễ dàng cho gặp gỡ và chia sẻ với nhau trong các sinh hoạt thiêng liêng và tông đồ. Các thành viên ở địa phương này quy tụ thành Gia Đình địa phương khác nhau.
Chịu trách nhiệm các sinh hoạt của Gia Đình I-nhã địa phương là Ban Đại Diện Gia Đình địa phương gồm một trưởng ban, một phụ tá, một thư ký và một thủ quỹ.
Hàng tháng quý cha trong nhà Dòng cách chung và quý cha phụ trách cách riêng sẽ dâng một thánh lễ cầu nguyện cho các thành viên của Gia Đình I-nhã còn sống hay đã qua đời. Quý cha phụ trách Gia Đình I-nhã cũng sẽ cầu nguyện cho quý ân nhân mỗi ngày qua các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Mỗi khu vực Gia Đình I-nhã sẽ chọn một vị Thánh làm đấng bảo trợ cho khu vực của mình. Quý cha phụ trách sẽ thăm viếng, giúp tĩnh tâm và dâng Thánh Lễ nhân dịp mừng lễ Bổn Mạng của khu vực đó.
Vào những dịp họp mặt toàn thể Gia Đình I-nhã (Lễ Thánh Tổ I-nhã, Lễ Truyền Chức Linh Mục), quý cha phụ trách cùng với toàn thể Gia Đình sẽ dâng lễ hiệp thông cầu nguyện cho các anh chị em trong Gia Đình còn sống hay đã qua đời.
Ngay khi nhận được tin một thành viên của Gia Đình qua đời, quý cha phụ trách sẽ dâng một Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho anh chị em ấy và đăng cáo phó trên trang tin điện tử của Văn Phòng Phát Triển để mọi người được biết tin và hiệp ý cầu nguyện.
Quý cha phụ trách cùng với các Ban Điều Hành có bổn phận tổ chức những kỳ tĩnh tâm Mùa Vọng, Mùa Chay, dịp Lễ Bổn Mạng… nhằm giúp các thành viên chuẩn bị tâm hồn sốt sắng tham gia các sinh hoạt phụng vụ của Giáo Hội.
Vào những dịp họp mặt toàn thể Gia Đình I-nhã hay từng khu vực, quý cha phụ trách sẽ dâng lễ tạ ơn kỷ niệm ngân khánh, kim khánh và ngọc khánh hôn phối cho các thành viên Gia Đình I-nhã. Trang tin điện tử của VPPT cũng sẽ đăng thông tin chúc mừng để mọi người hiệp thông cầu nguyện.
Hàng tháng, mỗi thành viên trong Gia Đình I-nhã có bổn phận dâng một thánh lễ cầu nguyện theo các ý chỉ của nhà Dòng.
Hàng tháng, mỗi thành viên trong Gia Đình I-nhã có bổn phận dâng một thánh lễ cầu nguyện cho các thành viên trong Gia Đình I-nhã còn sống và một thánh lễ cầu nguyện cho các thành viên đã qua đời.
Mọi thành viên trong Gia Đình I-nhã phải lưu tâm đến việc thăng tiến bản thân mình trong đời sống thiêng liêng bằng việc siêng năng lãnh nhận các bí tích và thực hành việc hy sinh hãm mình, tích cực tham dự các kỳ tĩnh tâm và nếu có thể, trong vòng 5 năm họ thu xếp để tham dự một kỳ linh thao 8 ngày.
Ngoài ra, tùy theo khả năng, các thành viên cũng được mời gọi đóng góp tài chính và gây quỹ cho các công cuộc tông đồ của Dòng (quỹ ơn gọi, quỹ huấn luyện, quỹ truyền giáo, quỹ người nghèo…).
Thánh I-nhã Loyola sinh năm 1491. Ngài là người con trẻ nhất của một gia đình quý tộc miền núi xứ Basque, Bắc Tây Ban Nha. Được huấn luyện theo cung cách sống của vua chúa triều đình Tây Ban Nha, ngài mơ mộng đến những vinh quang của các tầng lớp hiệp sĩ một cách kiêu hãnh đến ngạo mạn. Tuy nhiên, trong một nỗ lực bảo vệ pháo đài biên giới Pamplona của Tây Ban Nha chống lại quân xâm lăng của Pháp, I-nhã đã bị trúng đạn pháo và bị thương ở đầu gối chân phải. Bị ấn tượng bởi sự can đảm của I-nhã, những người lính Pháp sau khi sơ cứu đã đưa I-nhã về gia đình ở Loyola, nơi đây ngài đã trải qua một thời gian dưỡng thương dài cho tới khi bình phục.[4]
Trong thời gian đó, ngài làm quen với cuốn “Cuộc Đời Chúa Cứu Thế” của Ludwig of Saxony và với bộ sưu tập “Hạnh Các Thánh”. Những cuốn sách này đã dẫn ngài đến những kinh nghiệm thiêng thiêng liêng đầu tiên và sự hoán cải cùng với ao ước trở thành hiệp sĩ của Chúa Kitô và phục vụ Vương Quốc của Người.
Được bình phục, I-nhã rời Loyola vào tháng ba năm 1522, đến Montserrat và Manresa, một thị trấn nhỏ,[5] ở đó ngài đã sống như một người khất thực và sau những kinh nghiệm thần bí thiêng liêng, ngài bắt đầu ghi lại những kinh nghiệm thiêng liêng đó thành tập nhỏ mà bây giờ gọi là tập sách Linh Thao và khao khát làm những điều vĩ đại cho Chúa Kitô.[6]
Năm 1523, I-nhã rời Manresa và đi hành hương Đất Thánh. Vì không có hy vọng được lưu lại nơi đó và vì gặp một số rắc rối với Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha, ngài đã phải tìm hướng khác cho tương lai của mình. I-nhã quyết định đi học tại Barcelona, Alcalá, và Salamanca trước khi ghi danh tại đại học ở Paris năm 1528.[7]
Ở Paris, như một sinh viên, ngài quy tụ một nhóm nhỏ các bạn và hướng dẫn họ cầu nguyện và suy niệm theo phương pháp Linh Thao của ngài. Sau khi đã hoàn tất việc học, những Giêsu hữu đầu tiên này đã chịu chức linh mục trong hàng giáo sĩ Công giáo. Khi biết rằng Thiên Chúa không muốn họ đi Giêsuralem như họ đã hứa, họ dâng mình phục vụ Chúa trong sự vâng phục Đức Thánh Cha.
Năm 1540, Đức Thánh Cha Phaolô III, với trọng sắc “Regimini Militantis Ecclesiae” (Giáo Hội Chiến Đấu) đã chuẩn nhận “Định Thức” của một Dòng mới mang tên Dòng Chúa Giêsu (ở Việt Nam vì kính trọng Danh Thánh Giêsu nên thường được gọi là Dòng Tên). Thánh I-nhã đã được chọn là Bề Trên Cả và ngài đã phục vụ trong trách vụ đó cho đến khi qua đời ngày 31 tháng 07 năm 1556.[8] Ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV tuyên thánh năm 1622.
Linh đạo ám chỉ đến lời đáp của một hay nhóm người đối với Thiên Chúa, nghĩa là, những con đường cụ thể mà một hay nhóm người cùng gắn bó, có liên quan đến những vấn đề tối hậu của cõi nhân sinh.[9] Linh đạo I-nhã mặc lấy những chiều kích như thế và xuất phát từ Linh thao, xét như một phương thế cầu nguyện và nhận định nhằm giúp con người nhận biết làm thế nào đáp lại hoạt động hiện tại của Thiên Chúa trong đời sống của họ. Linh đạo Dòng Tên có cùng nguồn gốc trong Linh thao của thánh I-nhã Loyola, nhưng cũng có nguồn trong các tài liệu thành lập Dòng như các Định Thức và Hiến Pháp của Dòng. Vì thế, linh đạo Dòng Tên có thể được coi như là một bộ phận của linh đạo I-nhã; bởi vì có hàng triệu người, giáo dân không lời khấn, các linh mục triều, các dòng tu nam nữ cũng gắn bó với con đường thiêng liêng này. Một vài đặc tính chính yếu của linh đạo này được phác họa như sau:
Chiều kích Ba Ngôi này được đặt nền trên kinh nghiệm thần bí riêng của thánh I-nhã về Ba Ngôi Vị của Chúa Ba Ngôi và sự dấn thân tích cực của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Linh đạo Dòng Tên nằm trong mầu nhiệm Ba Ngôi luôn hành động để đem ý định của Thiên Chúa cho thế giới và mời gọi con người cộng tác với Thiên Chúa. Ba Ngôi đối với thánh I-nhã là Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ, Đấng tiếp tục làm việc trong “mọi sự” và mời gọi mọi người tham dự vào công trình cứu độ của Ba Ngôi trong thế giới. Theo tinh thần của thánh I-nhã, kết hợp với Thiên Chúa là kết hợp dấn thân trong phục vụ vì hạnh phúc con người.
Linh đạo Dòng Tên đặt trọng tâm vào Đức Giêsu Kitô và sứ mạng của Ngài. Thật vậy, nền linh đạo này hướng đến phục vụ các linh hồn như trong Bản Định Thức đầu tiên của Dòng đã diễn tả và được Giáo hội chuẩn nhận. Nó có nguồn gốc trong bài “Tiếng Gọi” của Linh thao rằng “bất cứ ai muốn đến với Ta, kẻ ấy phải lao nhọc cùng Ta” (Lt, 95). Khía cạnh Kitô học của linh đạo này được xác chuẩn bởi những ơn thần bí mà thánh I-nhã đã nhận vào năm 1537 trong nguyện đường La Storta, nơi mà sau khi cầu nguyện, ngài “cảm thấy một sự thay đổi lớn lao trong linh hồn và nhìn thấy cách rõ ràng đến độ không thể nghi ngờ rằng Thiên Chúa Cha đặt ngài với Con của Ngài.”[10] Và I-nhã đã nghe Chúa Cha nói với Chúa Giêsu vác thập giá trên vai rằng “Ý muốn của Ta là Con nhận người này làm tôi tớ của Con,” và Chúa Giêsu đã nói với I-nhã “Ý muốn của Ta là con phục vụ chúng ta.”[11]
Tổng hội 32 của Dòng đã tái khẳng định sự gợi hứng độc đáo của Dòng rằng “Dòng của chúng ta được thành lập chính yếu là để bảo vệ và truyền bá đức tin và mang đến bất kể sự phục vụ nào trong Giáo hội vì vinh quang Thiên Chúa và vì lợi ích chung.”[12] Quả thế, I-nhã đã hiểu rằng phục vụ sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử là dấn thân vào sứ mạng của Giáo hội được Chúa Kitô ủy thác. Điều này được đánh dấu bằng một lời khấn đặc biệt (lời khấn thứ tư) là sẵn sàng thực thi bất cứ điều gì và đến bất cứ nơi đâu mà Đức Giáo Hoàng, Vị Đại diện Chúa Kitô trên mặt đất, có thể truyền lệnh và sai phái mà ở đó có hy vọng phục vụ cho vinh quang Chúa và con người hơn. Chính vì thế, “những qui luật cùng cảm nghĩ với Giáo hội” của Linh thao là một diễn tả chính xác chiều kích Giáo hội của nền linh đạo này.[13]
Mục đích của Dòng Tên là “nhờ ơn Chúa hiến mình không chỉ cho việc cứu độ và hoàn thiện của các thành viên, nhưng còn hướng đến việc cứu độ và hoàn thiện của đồng loại.” [14] Vì thế, “dù đời sống của chúng ta là linh mục cũng như học viên và tu huynh đều phải mang tính tông đồ và tu trì. Sự nối kết khắng khít giữa những khía cạnh tông đồ và tu trì trong Dòng Tên phải linh hoạt toàn bộ cách sống, cầu nguyện và làm việc của chúng ta và in dấu đặc nét tông đồ này trên đó.”[15] Chiều kích tông đồ này căn bản được tìm thấy trong bản “Định Thức,” được các Đức Giáo Hoàng Phaolo III (1540) và Julio III (1550) phê chuẩn, theo đó Dòng Tên được thành lập “cách đặc biệt là để bảo vệ và truyền bá đức tin và vì sự tiến bộ của các tâm hồn trong đời sống Kitô hữu và giáo lý, qua việc rao giảng công khai, giảng dạy và bất cứ sự phát triển nào khác của Lời Chúa, và xa hơn nữa bằng Linh thao, giáo dục trẻ em và những người thất học trong Kitô giáo,và sự an ủi thiêng liêng của các tín hữu Chúa Kitô qua việc giải tội và cử hành các bí tích khác.”[16]
Hiểu như thế, chiều kích tông đồ và tiếng gọi tông đồ cũng là nét đặc trưng của cộng đoàn Dòng Tên. Mối quan tâm của cộng đoàn phải là phục vụ mọi người. Cộng đoàn Dòng Tên mang tính chiêm niệm nhưng không mang tính tu viện vì nó được qui tụ để phân tán. Vì thế, nơi mà cộng đoàn Dòng Tên cư trú không bao giờ được gọi là tu viện hay đan viện, nhưng là một nhà (house) hay nơi ở (residence) mà thôi vì nó là cộng đoàn của những người sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu mà Giáo hội sai phái họ tới. Dòng Tên, xét như một toàn thể, là một thân thể tông đồ có một sứ mạng chung. Chính qua thân thể này mà mỗi thành viên nhận được sứ mạng của mình. Sự hiệp nhất thân thể tông đồ này được đặt nền trên sự kết hợp của mỗi người và mọi người với Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Điều này có thể được thực hiện ngang qua việc cầu nguyện chính thức, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, và sự tham dự vào các bí tích mà đỉnh cao của nó là việc cử hành bí tích Thánh Thể. Bởi đó, mối dây hiệp nhất đòi hỏi sự hiệp thông và chia sẻ huynh đệ trong đời sống của những người bạn đường của Chúa Giêsu, Đấng đã thiết lập nên Dòng Tên. Họ là những người bạn đường không chỉ hiểu theo nghĩa là những người đồng nghiệp, mà còn là những người anh em và những người bạn thực sự trong Chúa.
Cũng vậy, đời sống cộng đoàn trong Dòng Tên không được tìm kiếm như là cứu cánh nơi chính nó. Nó hiện hữu là để hoàn thành sứ mạng chung. Cộng đoàn Dòng Tên là nơi để nhận định chung để những quyết định cụ thể liên hệ đến công việc tông đồ được thực thi. Thật vậy, chính trong cộng đoàn Dòng Tên mà Ý Chúa được nhận biết; mà kế hoạch tông đồ được phác họa; mà những cách thức và phương thế tiến hành sứ vụ cũng được bàn thảo theo ánh sáng của nhận định thần loại I-nhã.
Ngoài việc Linh thao định dạng toàn bộ đời sống của các Giêsu hữu, tất cả các thực hành thiêng liêng khác của Giêsu hữu đều xoay quanh một vòng tròn liên tục là “hoạt động – cầu nguyện – hoạt động…” Giêsu hữu tìm kiếm sự hoàn thiện của mình trong cầu nguyện và các thực hành thiêng liêng nhằm hướng đến việc giúp đỡ tha nhân; và trong khi giúp đỡ tha nhân, Giêsu hữu thủ đắc sự hoàn thiện hơn nữa trong cầu nguyện, để rồi sau đó họ lại giúp đỡ tha nhân hơn. Tóm lại, lời cầu nguyện đặc trưng của người Giêsu hữu phải được hội nhất với việc phục vụ, và ân huệ của việc cầu nguyện được ban cho người Giêsu hữu phải gắn bó chặt chẽ với tiếng gọi tông đồ và sự dấn thân cho đời sống phục vụ.
Tương tự như vậy, không chỉ đời sống cộng đoàn của các Giêsu hữu mang tính tông đồ mà thôi, nhưng cả các lời khấn của họ cũng mang chiều kích tông đồ. Việc tự nguyện tuân giữ các lời khuyên Tin mừng giúp người tu sĩ Dòng Tên kết hợp với Đức Kitô và chia sẻ tự do riêng của họ để phục vụ tất cả những ai cần được giúp đỡ. Thật vậy, lời khấn khó nghèo cho người Giêsu hữu tự do để chia sẻ đời sống của người nghèo và sử dụng bất cứ nguồn lợi nào họ có, không vì sự an toàn và tiện nghi riêng tư, nhưng là để phục vụ; lời khấn khiết tịnh làm cho Giêsu hữu là người của mọi người và có khả năng phục vụ mọi người; lời khấn vâng phục cho người tu sĩ Dòng Tên tự do để phục vụ Ý muốn của Thiên Chúa Ba Ngôi và tiếng gọi của Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của Giáo hội và các bề trên, đặc biệt là Cha Bề Trên Cả.
Linh đạo Dòng Tên có thể được đúc kết vắn gọn rằng “Tất cả cho vinh danh Thiên Chúa hơn.”[17] Có nhiều diễn ngữ tương tự được phát biểu trong Hiến pháp của Dòng, chẳng hạn như ‘để phục vụ Thiên Chúa,’ ‘để vinh quang Thiên Chúa,’ ‘để vinh quang Thiên Chúa hơn,’ và ‘để phục vụ và ngợi khen Thiên Chúa.’ Những diễn ngữ này được lặp đi lặp lại giống như một điệp khúc và như một kết luận cho những mệnh lệnh tinh tế cao độ hướng về một đích điểm chung duy nhất là để Chúa được tôn vinh hơn.[18] Điều này đến từ xác tín của I-nhã rằng “Thiên Chúa hoạt động cách tích cực trong thế giới này và muốn mọi người cùng hòa nhịp cùng với ý định của Thiên Chúa.”[19] Như thế, một Giêsu hữu, cùng với hồng ân hoán cải, ao ước theo Chúa Kitô vác thập giá sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm cái “hơn nữa” (magis) để tôn vinh Thiên Chúa cứu độ. Và để có thể đạt đến tính hữu hiệu tông đồ, tính “di động’’ cũng được nhấn mạnh như là một nét đặc trưng quan trọng của nền linh đạo này. Theo đó, mọi Giêsu hữu sẵn sàng lên đường đi đến bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời điểm nào khi mà tiếng gọi tông đồ mời gọi họ, dù phải đối diện với nhiều nguy hiểm, ngay cả khi phải trả giá bằng chính mạng sống mình.
Lạy Chúa Cha hằng hữu,
Con xin tạ ơn Cha đã yêu thương, gìn giữ và không ngừng thánh hóa con.
Cha đã ban cho con muôn vàn ơn phúc,
từ sự sống bình an và sung mãn đến tình yêu dành cho Cha và Hội Thánh.
Trước tôn nhan Cha,
Con nhớ lại lời khuyên dạy của thánh Phê-rô:
“Ơn riêng Thiên Chúa đã ban,
mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác.
Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.
Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa ;
ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.
Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô.” (1Pr 4:10-11)
Giờ đây, con ước ao được phục vụ Cha
qua trung gian là Gia Đình I-nhã.
Con cầu nguyện cho Dòng Tên và các sứ vụ Cha trao cho Dòng này,
đặc biệt là sứ vụ huấn luyện và đào tạo các thợ gặt trên cánh đồng của Cha,
cũng như các sứ vụ Tông đồ mà Dòng đang thực hiện.
Xin Cha ban cho con thêm sức mạnh và lòng trung tín phục vụ Cha qua Dòng Tên
bằng việc cầu nguyện, cộng tác và hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho Dòng,
cho ơn gọi của Dòng, cho các sứ vụ Cha trao cho Dòng.
Như thế, con cũng phần nào
đóng góp vào sứ mạng còn dang dở của Con Cha
để tôn vinh Danh Cha hơn nữa.
Con cầu xin Cha nhờ Đức Giê-su Ki-tô Con Cha Chúa chúng con. Amen.
Lạy Chúa Giêsu
Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại.
Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự.
Biết cho đi mà không tính toán.
Biết chiến đấu không ngại thương tích.
Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi.
Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn
là được biết con đang thi hành ý Chúa. Amen
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.
Amen.
(Thánh Inhaxio Loyola)
Mở đầu: Hồi tâm là cùng Chúa nhìn lại ngày sống, điểm lại các hoạt động nhằm giúp bạn ý thức hơn về sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong ngày sống và trong đời bạn. Do đó, để bắt đầu bạn hãy ý thức Thiên Chúa đang hiện diện cùng bạn. Bạn có thể làm một cử chỉ nào đó giúp mình ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa: làm Dấu Thánh Giá, cúi chào, điều chỉnh tư thế, v.v.
Bước 1: Tâm tình tri ân: Trong bước này, bạn/ta nhìn lại những món quà Thiên Chúa đã tặng ban cho bạn trong ngày hôm nay, và dâng lời tạ ơn Người.Đó có thể là những món quà rất cụ thể và gần gũi: giờ phút này bạn được bằng an sau một ngày làm việc, học tập, vui chơi, được hiện diện nơi đây để làm phút hồi tâm này; bạn đã được sinh ra và hiện diện trên thế giới này; bạn có những người để thương yêu và được yêu thương; có những khả năng, những điều kiện, cơ hội… Bạn tạ ơn Thiên Chúa vì nhận ra đó là những món quà Người đã trao tặng cách nhưng không cho bạn cũng như người thân của bạn.
Bước 2: Xin ơn soi sáng: Bạn/ta cầu xin Thiên Chúa ban ơn soi sáng và sức mạnh, để khi làm phút hồi tâm, bạn/ta không dựa theo sức riêng và cảm xúc của mình, nhưng theo tác động của ân sủng, tức là để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm việc trong bạn.
Bước 3: Nhìn lại ngày sống: Cùng với Thiên Chúa, bạn/ta bắt đầu nhìn lại ngày sống của mình.
Những người mới tập làm phút hồi tâm thường nhìn lại những hành vi, lời nói của mình, cũng như các phản ứng (buồn, vui, lạnh nhạt, thờ ơ, phấn khởi, hăng say, giận hờn, bực tức, v.v.) trước những biến cố trong ngày, trước những món quà Chúa ban liên quan đến gia đình, bạn bè, việc đi làm, đi học, của cải vật chất, ơn gọi, v.v.
Người làm Phút Hồi Tâm được mời gọi nhìn sâu hơn vào những biến chuyển nội tâm, những động lực, khuynh hướng, ý nghĩ trước những biến cố xảy ra trong ngày nơi gia đình, cộng đoàn, lớp học hay nơi làm việc.
Để nhìn lại ngày sống cũng như nhận ra được những thúc đẩy trong tâm hồn, bạn/ta có thể tự hỏi mình những câu hỏi, ví dụ như: Những gì đã xảy ra trong ngày? Tôi đã hành xử ra sao và cảm xúc của tôi thế nào trước những điều ấy? Chúa đã tỏ tình thương của Ngài đối với tôi như thế nào qua từng biến cố ấy? Tôi đáp lại Tình Thương của Chúa ra sao? v.v.
Bước 4: Xin ơn tha thứ và chữa lành: Bạn/ta cầu xin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhân từ và hay tha thứ, chữa lành tâm hồn mình và cất đi những gánh nặng nề khi bạn nhận ra những yếu đuối, thói quen không tốt, ý nghĩ lệch lạc, vết thương nơi lòng mình. Bạn/ta có thể thổ lộ cùng Chúa những niềm vui, nỗi buồn, lắng lo… Hãy dâng tất cả lên Chúa, và phó thác trọn vẹn cho Tình Yêu của Ngài.
Bước 5: Quyết tâm đổi mới: Bạn/ta xin được nhạy cảm hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngày sống của mình, và cùng với Thiên Chúa, bạn/ta vạch ra các kế hoạch cụ thể giúp bạn/mình có thể sống trọn ngày hôm sau của mình sao cho phù hợp với những gì Thiên Chúa đã và đang tỏ lộ cho ta. Bạn/ta có thể hỏi mình những câu hỏi sau:
Tôi sẽ làm gì để có thể sống một ngày hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn?
Tôi cần thay đổi điều gì trong cách hành xử và lối sống của tôi?
Nếu trong hoàn cảnh của tôi, Chúa sẽ làm gì?
Kết thúc: Ý thức Thiên Chúa đang hiện diện với mình, bạn/ta kết thúc phút hồi tâm trong tâm tình cầu nguyện. Bạn/ta tạ ơn Chúa vì thời gian trôi qua với những niềm vui, ơn lành; bạn cũng bày tỏ với Người mọi nỗi phiền muộn, chán nản đã gặp phải. Hãy xin Ngài giúp bạn/ta thêm phó thác, tin yêu và thêm quyết tâm trong ngày giờ sắp tới.
* Bạn/ta có thể làm điều này trong 30 phút vào cuối ngày trước khi bạn lên giường ngủ.
[1] The 1540 Formulas of the Institute of the Society of Jesus, n.1
[2] Thomas Vũ Quang Trung, Thư “Thành Lập Gia Đình I-nhã,” ngày 20.11.2008.
[3] Tầm quan trọng của tông đồ giáo dân đã được tái khẳng định trong Giáo Luật 1983 số 225 §1. Vì giáo dân cũng như mọi Kitô hữu đều được Thiên Chúa uỷ nhiệm sứ vụ tông đồ qua phép Rửa tội và phép Thêm sức, cho nên họ có những nghĩa vụ chung và với tính cách cá nhân hay tập hợp thành những hiệp hội, họ có quyền làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới nhận biết và đón nhận; nghĩa vụ này càng thúc bách hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ, người ta mới có thể nghe Tin mừng và nhận biết Đức Kitô (LG 33; AA 2; AA 3; AA 17; AGD 21; AGD 36).
[4] James Broderick, SJ, The Origin of the Jesuits (Chicago: Loyola University Press, 1986), 8-9.
[5] Joseph de Guibert, SJ, The Jesuits: Their Spiritual Doctrine and Practice: A Historical Study, 3rd edition, trans. William J. Young, SJ (St. Louis, MO: the Institute of Jesuit Sources, 1986), 27.
[6] William A. Barry, SJ and Robert G. Doherty, SJ, Contemplative In Action: The Jesuit Way (Mahwah, NJ: Paulist Press,2002), 9.
[7] William V. Bangert, SJ, A History of the Society (St. Louis, MO: The Institute of Jesuit Sources, 1972), 11-14.
[8] John W. O’Malley, The First Jesuits (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1994), 15-16.
[9] William A. Barry and Robert G. Doherty, Contemplatives in Action: The Jesuit Way, 2.
[10] Ignatius, Autobiography, n. 96.
[11] Joseph de Guibert, The Jesuits: Their Spiritual Doctrine and Practice: A historical Study, 39-39.
[12] GC. 32, Decree 2, n. 11. See also Formulas, n.3.
[13] Saint Ignatius, The Spiritual Exercises, nn. 352-370.
[14] Constitutions, n. [3].
[15] GC. 31, Decree 13, n. 3.
[16] Formulas, n. 1.
[17] Formulas, n. 1.
[18] Joseph de Guibert, The Jesuits: Their Spiritual Doctrine and Practice: A historical Study, 84.
[19] William A. Barry and Robert G. Doherty, Contemplatives in Actions: The Jesuit Way, 3.
Văn Phòng Phát Triển (VPPT) của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam là cánh tay nối dài của Tỉnh Dòng đến với tất cả những ai muốn hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần cho Dòng Tên trong việc phát triển ƠN GỌI DÒNG TÊN, cũng như tham dự vào CÁC SỨ VỤ DÒNG TÊN, trong nước cũng như ngoài nước. Sự nối kết này sẽ làm tăng thêm sức mạnh của Tỉnh Dòng, trong việc đáp ứng nhiều nhu cầu rộng lớn của sứ mạng tông đồ, cũng như việc huấn luyện nhân sự cho cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.
Văn Phòng Phát Triển
Jesuit Development Office
171 Lý Chính Thắng, P7, Q 3, TP.HCM